Nhược điểm chung Hội_Quốc_Liên

Việc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ chứng minh rằng Hội Quốc Liên đã thất bại trong mục đích chính của tổ chức là ngăn ngừa một Thế Chiến khác. Có nhiều lý do cho thất bại này, với những liên kết đến những nhược điểm chung trong tổ chức. Ngoài ra, năng lực của Hội Quốc Liên bị hạn chế do Hoa Kỳ từ chối tham dự.[160]

Hội Quốc Liên là một tổ chức được các cường quốc Đồng Minh thành lập như một phần của sự dàn xếp hòa bình nhằm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khiến tổ chức được nhìn nhận là một "Liên minh của những người thắng cuộc".[161][162] Tính trung lập của Hội Quốc Liên có khuynh hướng biểu thị tổ chức là thiếu quyết đoán. Hội Quốc Liên đòi hỏi một cuộc bỏ phiếu nhất trí của 9, sau đó là 15 thành viên Hội chính vụ để ban hành một nghị quyết; do đó, việc thuyết phục và hành động thực sự là điều khó khăn, nếu không phải là không thể. Tổ chức cũng chậm di đến quyết định của mình khi mà một thành viên nhất định yêu cầu đồng thuận nhất trí của toàn thể Ủy ban. Vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ thực tế rằng các thành viên chủ yếu của Hội Quốc Liên không muốn chấp thuận khả năng số mệnh của họ do các quốc gia khác quyết định, và do thi hành bỏ phiếu nhất trí trên thực tế là trao cho họ quyền phủ quyết.[163][164]

Mặc dù tổ chức có dự định bao gồm toàn bộ các quốc gia, song nhiều quốc gia chưa từng gia nhập hoặc chỉ có thời kỳ làm thành viên ngắn ngủi, sự khuyết diện đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ. Tổng thống Woodrow Wilson từng xúc tiến việc hình thành Hội Quốc Liên và có ảnh hưởng lớn đối với hình thức của tổ chức, song Thượng nghị viện Hoa Kỳ bỏ phiếu không gia nhập tổ chức vào ngày 19 tháng 11 năm 1919.[165] Ruth Henig đưa ra giả thuyết rằng khi Hoa Kỳ trở thành một thành viên thì quốc gia này cũng sẽ cung cấp sự ủng hộ cho Pháp và Anh, có thể khiến cho Pháp cảm thấy an toàn hơn, và do đó khuyến khích Pháp và Anh đi đến hợp tác thêm đầy đủ trong quan hệ với Đức, do đó khiến cho Đảng Quốc Xã ít có khả năng lên nắm quyền hơn.[166] Ngược lại, Henig thừa nhận rằng nếu Hoa Kỳ là một thành viên thì sự miễn cưỡng của quốc gia này trong việc tham gia chiến tranh với các quốc gia châu Âu hoặc để ban hành các chế tài kinh tế có thể cản trở năng lực của Hội Quốc Liên trong việc giải quyết các sự biến quốc tế.[166] Cấu trúc của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có thể khiến cho vị thế thành viên của quốc gia này trở nên mơ hồ, do các đại biểu của Hoa Kỳ tại Hội Quốc Liên không thể có các quyết định nhân danh nhánh hành pháp mà không được phê chuẩn từ trước của nhánh lập pháp.[167]

Trong tháng 1 năm 1920, khi Hội Quốc Liên khai sinh, Đức không được phép tham dự do được nhìn nhận là một quốc gia đi xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Nga Xô viết ban đầu cũng bị loại trừ do các chế độ cộng sản không được hoan nghênh. Hội Quốc Liên trở nên suy yếu thêm khi các đại cường rút khỏi tổ chức trong thập niên 1930. Nhật Bản ban đầu là một thành viên thường trực của Ủy ban, song rút khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933 sau khi Hội Quốc Liên phản đối quốc gia này xâm chiếm Mãn Châu.[168] Ý ban đầu cũng là một thành viên thường trực của Ủy ban, song rút khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1937. Năm 1926, Hội Quốc Liên chấp thuận cho Đức gia nhập với vị thế một thành viên thường trực của Hội chính vụ, cho rằng Đức là một "quốc gia yêu chuộng hòa bình", song Adolf Hitler đưa Đức ra khỏi Hội Quốc Liên khi ông lên nắm quyền vào năm 1933.[169]

Những nhược điểm quan trọng khác tăng lên từ mâu thuẫn giữa quan điểm an ninh tập thể vốn dựa trên nền tảng Hội Quốc Liên và quan hệ quốc tế giữa các quốc gia riêng lẻ.[170] Hệ thống an ninh tập thể của Hội Quốc Liên yêu cầu các quốc gia phải hành động nhằm ủng hộ cho các quốc gia mà họ không có mối quan hệ thân thiết bình thường, nếu cần thiết phải chống lại cả những quốc gia mà họ xem là hữu nghị nên có thể gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia.[170] Nhược điểm này được bộc lộ trong khủng hoảng Abyssinia, khi đó Anh và Pháp duy trì sự cân bằng an ninh mà họ nỗ lực thiết lập cho mình tại châu Âu "nhằm bảo vệ chống các kẻ thù của trật tự quốc tế",[171] mà trong đó sự ủng hộ của Ý đóng một vai trò then chốt, với bổn phận của họ với Abyssinia với vị thế là một thành viên Hội Quốc Liên.[172] Cuối cùng, Anh và Pháp đều từ bỏ khái nhiệm an ninh tập thể mà thay vào đó ủng hộ nhân nhượng trong việc đối diện với chủ nghĩa quân phiệt Đức đang phát triển dưới thời Hitler.[173]

Hội Quốc Liên thiếu một lực lượng vũ trang riêng và dựa vào những đại cường để thi hành các nghị quyết của mình, đây là điều mà các đại cường rất không muốn thực hiện.[174] Hai thành viên quan trọng nhất của Hội Quốc Liên là Anh và Pháp đã miễn cưỡng sử dụng các chế tài và thậm chí còn miễn cưỡng hơn trong việc dùng đến phương pháp hành động quân sự nhân danh Hội Quốc Liên. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa hòa bình trở thành một thế lực mạnh trong nhân dân và chính phủ tại cả hai quốc gia. Đảng Bảo thủ Anh đặc biệt lãnh đạm với Hội Quốc Liên, và khi nắm quyền đảng này ưu tiên điều đình các hiệp ước mà không có sự tham dự của tổ chức này.[175] Hơn nữa, sự ủng hộ tích cực của Hội Quốc Liên về việc giải trừ quân bị đối với Anh, Pháp, và các thành viên khác, trong khi đồng thời chủ trương an ninh tập thể, có nghĩa là Hội Quốc Liên đã tự tước đoạt phương thức mạnh duy nhất mà nhờ đó tổ chức mới có thể duy trì quyền uy.[176]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội_Quốc_Liên http://www.nla.gov.au/research-guides/league-of-na... http://biblio-archive.unog.ch/detail.aspx?ID=245 http://www.unog.ch/80256EDD006B8954/(httpAssets)/3... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/02... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/03... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/12... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/77... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/84... http://www.unog.ch/80256EE60057D930/(httpPages)/B5... http://www.amazon.com/Historical-Dictionaries-Inte...